Tạp Văn

THẮNG CẢNH CHIÊM BAO MỞ MẮT

THẮNG CẢNH CHIÊM BAO MỞ MẮT

Chiêm bao thì đời người ai cũng đôi lần trải qua…, Tàn cảnh như: Mưa sa, bão táp hất tung ta lên không trung như cánh lông chim bay đi vô định một cách lạc loài trong khiếp đảm và rét run, thật hãi hùng. 
THẮNG CẢNH CHIÊM BAO MỞ MẮT

Thắng cảnh như: Non xanh, nước biết cùng những đoàn người trẻ già ngoe ngoảy tung hô vạn tuế khi ta thăng quan tiến chức, khi ta chễm chệ trên ngai vàng của sự giàu sang…giật mình tỉnh giấc, ta vẫn là ta, thất vọng tràn trề. Đó là những cảnh tượng trong nhắm mắt chiêm bao. Đối với nhắm mắt chiêm bao thì không cần lo nghĩ gì, cứ thẳng giấc no say, tự tỉnh. Còn những cảnh tượng trong chiêm bao mở mắt thì đừng hòng mong tỉnh, nó sẽ triền miên đến muôn đời, muôn kiếp chứ chẳng phải chơi! Trừ khi ta biết chắc mình đương ở trong cảnh giới chiêm bao mở mắt và, đủ sức nhảy ra ngoài, thì khi ấy mới thấu thị được tất cả những sự lạ lùng ngoạn mục của thế giới đó. Nếu không, đến chết vẫn còn khư khư "Chiêm bao mở mắt" là khái niệm điên rồ!. 
Cảnh trong chiêm bao mở mắt lạ lùng và ngoạn mục thế nào? 
Người viết xin được mượn lời mô tả (nguyên văn) của một vị tiền bối đương còn sống, Phạm Lưu Vũ-Trích Luận Ngữ Tân Thư, một lần đã thấy nó như sau:
Đó là một chốn rất lạ. Lạ từ phong cảnh lạ đi. Ở đó, nước có nơi trong veo, có nơi đen kịt, cây có khi xanh tươi, lại có khi trơ cành, trụi lá. Chia ra ngày và đêm, nhưng ngày thì mù lòa mà đêm thì tối như hũ nút. Những con vật sinh ra tất nhiên cũng lạ. Chẳng hạn loài chuột lúc nào cũng chứng tỏ một khả năng chui rúc (rất kinh), lũ chó hay sủa để khoe cái mõm (rất xấu), giống mèo suốt đời lo bị người ta nhìn thấy bãi cứt (rất chua) của mình…
Con người càng lạ lùng hơn nữa. Cũng chia ra đàn ông, đàn bà, cũng có người già, người trẻ… nhưng có người được nói, lại có rất nhiều người phải câm. Kẻ được nói, nói bao giờ cũng đúng(!), nói xong không cần giữ lời. Người phải câm suốt đời chỉ việc nghe(!), không bao giờ được mở miệng (nói).
Lại cũng chia ra trên, dưới. Nhưng trên thì tưởng lầm dưới là chó rơm, còn dưới lại nghĩ trên là… đầy tớ.
Mỗi người ở đó đều có hai tai, nhưng có cặp tai nghe được, có cặp tai chẳng nghe lọt bất cứ điều gì.
Người ta vừa biết chào nhau, lại vừa biết chửi nhau, vừa biết đánh trống, lại vừa biết ăn cướp, vừa biết yêu nhau, nhưng đồng thời lại rất thạo lừa nhau…
Nơi ấy có rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Song thứ mà người ta sợ nhất chính là… sự thật. Bởi sự thật có thể làm đổ vỡ tất cả, kể cả sự khốn nạn.
Nơi ấy cũng có “kinh“. Nhưng chỉ bám lấy duy nhất một thứ “kinh“ mà thiên hạ đã bỏ đi từ lâu.
Nơi ấy cũng có “sử“. Nhưng chỉ có “tiểu sử“ mà thôi. Từ lâu, “tiểu sử“ đã thay thế cho “đại sử“.
Nơi ấy cũng có cái gọi là “pháp luật“. Nhưng nó là thứ luôn biến hóa , tùy theo ý muốn của kẻ bề trên. Và trong mọi trường hợp, nó không bao giờ được áp dụng cho kẻ bề trên.
Nơi ấy không thiếu gì những đỉnh núi. Nhưng vẫn không làm nên một dãy núi nào.
Nơi ấy, trẻ chán ngấy những thứ thờ cúng của già (ví dụ những oanh… liệt trong quá khứ, những món tư tưởng, văn chương nhồi sọ…). Già rất e ngại những đam mê của trẻ (ví dụ những khát vọng tự do, những “nọc độc“ văn hóa , những sự thật đến từ… bốn phương tám hướng…).
Nơi ấy, ai ai cũng sở hữu riêng một cái đầu để nghĩ. Nhưng tốt nhất là đừng bao giờ dùng tới nếu muốn yên thân. Bởi đã có kẻ làm cái việc nghĩ sẵn cho mọi người.
Nơi ấy được xem là rất yên ổn. Song là sự yên ổn của một bầy cừu. Một bầy cừu ăn cỏ, nhưng tất cả đã được học thuộc lòng những bài ca và giáo lý của loài chuyên ăn thịt.
Nơi ấy vẫn có những hạng gọi là “kẻ sĩ“. Tuy nhiên, đó là một loài chẳng quí, cũng chẳng hiếm.
Nơi ấy… vân vân và… vân vân…
Ở đâu ra cái chốn lạ lùng như vậy? Kẻ sĩ đã mấy đời thử lạm bàn nguyên nhân của những sự lạ đó. Có người ngờ rằng do trời đất tạo nên. Có kẻ lại bảo tất cả nguồn cơn là từ “văn“ mà ra cả. Cái “lý sự“ ấy vừa rắc rối, lại vừa đơn giản, vừa bí hiểm, lại vừa hiện rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật…
----------------------------------------------------------
Đó là một phần mà vị tiền bối ấy nhìn thấy cái sự lạ lùng ngoạn mục nơi xứ sở ấy trong mở mắt chiêm bao những ngày đã qua. Còn nay, cái xứ sở lạ lùng trong chiêm bao mở mắt ấy có còn lạ lùng nữa không? – Vâng, Xin thưa: Càng lạ lùng hơn! nhưng không bi đát trong tàn cảnh như ngày ấy. Bây giờ hầu như đã trở thành một thắng cảnh rồi, và đồng thời càng ngoạn mục hơn.
Rừng núi điệp trùng cỏ cây chỉ xanh rặt một màu chứ không xanh đủ màu lộn xộn, phức tạp như xưa, có lẽ cỏ cây cũng đã đi vào nề nếp.
Gia cầm và muôn thú không còn chịu thiệt thòi phải ở trong rừng tối tăm ẩm thấp nữa, mà chỉ ở nơi những chiếc lồng son, những tòa nhà vòm văn minh hiện đại, còn được tiếp cận với loài người văn minh qua lại và giao du mỗi ngày. Trời đất xứ ấy cũng đổi thay ngày một lạ hơn. Thời tiết thì không bị bó buộc theo quy luật Xuân Hạ Thu Đông nữa. Thích mưa thì mưa, thích nắng thì nắng, tạm gọi là sáng nắng chiều mưa, rất tự do…sướng thật! Mặt đất đôi khi ghen tuôn với sự vui chơi hưởng thụ của loài người nên muốn trở mình, ngồi dậy khiến hàng loạt những ngôi nhà, công sở tan hoang, sụt lún đến mất biến những đoạn đường, ôi ngoạn mục ra phết.
Loài người thì ở đó có sướng không? – Khỏi phải bàn! Hầu như họ đã phát triển và văn minh đến một thời kỳ quá độ khó tả. Một vài nơi hẻo lánh vùng sâu, vùng xa trước đây vô cùng khó khổ, có thể gọi là nghèo nàn đủ các mặt. Thế mà nay, cái xứ sở ấy đã vượt khổ, thoát nghèo thậm chí sẽ trở thành những nơi nông thôn mới tiêu biểu trong nay mai. Nhất định Internet và nước uống sạch cũng sẽ sớm có trong tương lai gần ở những nơi thoát nghèo đó. Con người ở xứ sở đó hầu như họ đều có khả năng khinh công, họ có thể chạy chân không trên những đám gai mây mà không cần giày dép. Hình như họ được giáo dục kĩ năng bản lĩnh từ những bài học thiếu thời là đi trên mảnh thủy tinh vỡ khi còn là học sinh tiểu học. Giờ họ cũng có xe gắn máy, nhưng cách đi xe của họ thì không thể bạn tin nổi nếu bạn chưa từng tận mặt. Không cần phải lưu tâm là lề ai nấy ôm. Ai thích đi bên nào cũng được, tự do, phóng tới. Vào mùa mưa, họ có thể phóng xe gắn máy trên mặt nước của một dòng sông đương chảy, những vệt nước thi nhau tung tóe sau đuôi xe, bay lên trời như một tràn pháo hoa đương nổ để tạo hình. Càng ngoạn mục hơn là dòng sông đương cuồn cuộn chảy trên một lòng con đường mà ngày hè bạn đã từng đi.
Còn về mặt lễ hội văn hóa thì sao? – Khỏi chê vào đâu được! Có đủ cả lễ hội văn hóa "Đâm", lễ hội văn hóa "Cướp", lễ hội văn hóa "Hiếp". Thi nhau cướp "Lộc" mà không cần phải điều chỉnh hành vi của mình trở về với chân thiện mỹ để tạo "Lộc". Có đến tám ngàn lễ hội vui chơi hưởng thụ ở nơi xứ sở ấy mỗi năm, thật thoải mái ghê. Vẫn chưa đủ, còn một loạt lễ hội sắp ra đời trong một ngày gần đây thôi. Chẳng hạn như lễ hội bóng chuyền, lễ hội Giáo dục công dân, lễ hội toán, lễ hội lý, lễ hội lịch sử, địa lý…vân vân và vân vân, vì người viết cũng may mắn vừa chứng kiến một lễ hội tiếng Anh hoành tráng và thành công tốt đẹp ở nơi cái xứ lạ lùng ấy.
Con người có quyền lực ở nơi ấy cũng sướng lắm, thích tạo dựng một loại lễ hội nào thì tùy thích, đâu cần phải hiểu thế nào là lễ hội như ông cha ta lạc hậu một thời. Một xứ sở mà hầu hết là thuộc chủ nghĩa vô thần và duy vật, mặc dù vậy, do cuộc sống ở nơi đó đã và đang quá sung túc để hưởng thụ nên họ cũng sử bày ra đủ thứ loại phiên cúng cấp mà chẳng màng đến cúng kính(Cung kính). Miễn là vinh thân phì gia từ thịt rượu ở các giêng cúng cấp. Cháu cúng thì cha cấp, cha cúng thì ông cấp…, khỏi phải lo nghĩ nhiều. Phước đức cũng chẳng cần tạo, chỉ xin cho khỏe! Xin không cho sẵn sàng cướp. Một xứ sở mà cúng cầu sự bình an và hạnh phúc cho mình bằng cách cướp sự bình an và hạnh phúc của sinh mạng khác thì nhanh gọn và sướng làm sao! Ôi, quả là một Thắng Cảnh Trong Chiêm Bao Mở Mắt, phải không nào!?

About Thầy Lười

0 comments:

Đăng nhận xét

Tất cả những nhận xét chân thành của bạn đều rất quý giá cho tác giả đều rất quý báu đối với tác giả bài viết. Hãy cùng nhau hoàn thiện ngày càng tốt hơn bạn nhé!

Được tạo bởi Blogger.